Chuyến thăm và làm việc của các nhà khoa học mía đường Thái Lan

07/09/2016

Vào ngày 30/08/2016 vừa qua, Đoàn công tác gồm 6 nhà khoa học mía đường, thuộc Viện Nghiên cứu Cây trồng (FCRI), Cục Nông nghiệp, Bộ Nông Nghiệp và HTX Thái Lan, do Bà Wanlipa Suchato dẫn đầu, đã đến thăm và làm việc với Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức và các tiến bộ kỹ thuật trong nghiên cứu và phát triển mía đường ở mỗi nước. Đồng thời, hai bên cũng đã thảo luận, thống nhất về các nội dung mà FCRI và SRI nói riêng, Việt Nam và Thái Lan nói chung, dự kiến sẽ cùng hợp tác, nghiên cứu trong thời gian tới về lĩnh vực mía đường.

Thái Lan là nước sản xuất mía đường đứng hàng thứ tư, xuất khẩu đường đứng hàng thứ hai trên thế giới và đứng đầu Đông Nam Á, với diện tích trồng mía hàng năm xấp xỉ đạt 1,5 triệu ha, sản xuất từ 10-11 triệu tấn đường/năm, trong đó trên 75% sản lượng đường dành cho xuất khẩu.

Theo báo cáo thống kê của Cục Trồng trọt (2014), cả nước có trên 38% diện tích trồng các giống mía có nguồn gốc từ Thái Lan như KK3, LK92-11, K95-84, K95-156, K84-200,… Các giống này hiện đang được trồng phổ biến ở các vùng Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Ngoài ra, ở nhiều vùng mía tập trung trên cả nước, nhiều kỹ thuật thâm canh, canh tác mía tiên tiến như trồng mía hàng đôi, làm cỏ, chăm sóc, bón phân cho mía bằng máy,… đều có nguồn gốc “học tập” từ Thái Lan. Việc tăng cường hợp tác, trao đổi và học tập kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển KH&CN mía đường, cũng như sản xuất mía đường từ Thái Lan sẽ giúp cho SRI và ngành mía đường Việt Nam sớm được tiếp cận và tiếp thu các kinh nghiệm nghiên cứu & phát triển, cũng như các tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất mía đường.

Với việc chính thức ra mắt, thành lập Hiệp hội Đường Đông Nam Á (ASA) vào ngày 15/07/2016 tại Bangkok vừa qua, cơ hội và triển vọng cho sự hợp tác giữa FCRI và SRI nói riêng, Việt Nam và Thái Lan nói riêng sẽ được mở rộng và gặt hái được nhiều thành quả mới. Hy vọng rằng, dưới mái nhà chung – Cộng Đồng Chung Đông Nam Á (AEC), ngành mía đường Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều từ nước bạn Thái Lan và các nước sản xuất mía đường khác trong khối ASEAN, từng bước ổn định và phát triển, tăng cường khả năng cạnh tranh để có thể hội nhập thành công vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Theo Viện Nghiên cứu Mía đường