Ngành mía đường đẩy mạnh cải cách cơ cấu

29/08/2016

Đánh giá tác động của hội nhập đối với ngành mía đường, đại diện Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, một thách thức lớn đối với ngành này là do chính sách và chiến lược phát triển chưa thực sự đúng đắn, cần đẩy mạnh cải cách cơ cấu theo hướng gia tăng giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh...

Đóng bao đường tại Nhà máy đường Khánh Hòa

Xét về chủ trương, cần khách quan rằng, Nhà nước luôn quan tâm quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ ngành mía đường phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập, Nhà nước luôn quan tâm bảo hộ phát triển ngành mía đường bằng hàng rào thuế quan cao khi đàm phán các hiệp định tự do thương mại.

Tại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), trong quá trình đàm phán với các đối tác, Việt Nam đã giữ được cơ chế bảo hộ cao đối với ngành mía đường. Trong đó, sẽ vẫn áp dụng cơ chế hạn ngạch nhập khẩu toàn cầu theo cam kết WTO, không dành thêm hạn ngạch cho TPP hay bất kỳ nước nào trong TPP mà chỉ có khác biệt ở thuế suất trong hạn ngạch và từng bước xóa bỏ thuế suất trong hạn ngạch theo lộ trình 12 năm.

Trong khi đó, Mỹ đã cam kết dành riêng cho Việt Nam hạn ngạch 1.500 tấn mía đường và sản phẩm đường mỗi năm (đây là mức hạn ngạch cao thuận lợi nhất mà Mỹ dành cho đối tác trong TPP), Nhật Bản cũng đưa ra lượng hạn ngạch bổ sung đối với các nước TPP về các sản phẩm đường và cơ chế xóa bỏ một phần mức bù đắp giá nhập khẩu…

Hội nhập quốc tế không phải là vấn đề mới với ngành mía đường, chỉ khác ở mức độ cam kết mở cửa, hội nhập… so với các ngành khác. Ngay cả khi đã hoàn tất cắt giảm thuế nhập khẩu đường xuất xứ từ ASEAN về 5% vào năm 2015 theo cam kết hội nhập khu vực ASEAN (Hiệp định ATIGA) và đã mở cửa thị trường đường hàng năm theo hạn ngạch WTO… thì thực tế cho thấy, sức ép từ nguồn cung nhập khẩu tới thị trường đường trong nước cũng chưa thực sự là lớn, năm 2016 vẫn phải bổ sung hạn ngạch nhập khẩu thêm 100.000 tấn đường (chưa kể nhập khẩu theo hạn ngạch WTO 85.000 tấn) để bù đắp nguồn cung cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Thước đo thành công trong hội nhập, yếu tố quyết định là năng lực phát triển, sức cạnh tranh (tức nội lực). Tuy nhiên, điều này đối với ngành mía đường Việt Nam còn yếu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay Việt Nam vẫn chưa hình thành được vùng nguyên liệu mía đảm bảo năng suất và chất lượng ổn định phục vụ cho sản xuất đường và các ngành công nghiệp liên quan; các ngành công nghiệp thực phẩm và công nghiệp sử dụng đầu vào là thành phẩm hoặc phụ phẩm của ngành mía đường chưa được phát triển mạnh nên đã không tạo đủ động lực cho công nghiệp mía đường; tình trạng thương mại không chính đáng thông qua gian lận trong tạm nhập tái xuất và biên mậu đường đang có những tác động xấu tới phát triển thị trường đường trong nước…

Bên cạnh đó, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường còn nhiều hạn chế, cơ cấu sản phẩm từ mía đường còn thiếu tính đa dạng, chưa tối đa hóa hiệu suất sử dụng sản phẩm, năng suất thấp so với thế giới và chưa bằng mức trung bình của ASEAN, giá thành sản xuất cao so với mức trung bình trên thế giới...

Khi TTP có hiệu lực, mức độ mở của thị trường đường trong nước cơ bản cũng không lớn hơn đáng kể so với mức độ đang thực hiện các cam kết WTO cũng như trong ASEAN... và ASEAN + các đối tác lớn...

Do vậy, muốn khai thác hiệu quả các cơ hội từ TTP, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, phải đẩy mạnh cải cách cơ cấu ngành mía đường theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường khả năng cạnh tranh với khu vực và thế giới; đầu tư phát triển giống và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất mía nguyên liệu; tăng cường thể chế và công cụ quản lý thương mại nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho thương mại chính đáng đối với sản phẩm mía đường...

Thêm vào đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp mía đường xây dựng năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng đường toàn cầu; khuyến khích phát triển công nghiệp sử dụng sản phẩm từ ngành mía đường; hỗ trợ doanh nghiệp đường các biện pháp ứng phó với các biện pháp hạn chế thương mại mới tại các thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại quốc tế, quảng bá sản phẩm ở nước ngoài, phát triển đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tránh phụ thuộc sâu vào các thị trường khu vực, đặc biệt là mở các thị trường lớn như EU…

Quy hoạch Phát triển mía đường Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 dự kiến sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ nay đến cuối năm 2016. Theo đó, ngành mía đường sẽ phát triển đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phát triển đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu, chế biến đường, các sản phẩm sau đường và bên cạnh đường gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh, ứng phó với tác động của hội nhập; doanh nghiệp mía đường được tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao công suất, áp dụng công nghệ hiện đại...

Theo Công Thương