Đề xuất duy trì thuế nhập khẩu đường 5%

01/09/2016

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) kiến nghị với Bộ Tài chính tiếp tục duy trì mức thuế nhập khẩu đường 5% trong nội khối ASEAN đến sau năm 2018.

Thuế nhập khẩu đường trong ATIGA đến hết năm 2018 là 5%. Ảnh internet.

Thông tin này đã được ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA xác nhận với phóng viên Báo Hải quan. Theo vị này, Bộ Tài chính đã có thông tư xác định mức thuế nhập khẩu đường 5% đến năm 2018. Tuy nhiên, theo cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (gọi tắt là ATIGA), thuế nhập khẩu đường sau năm 2018 vẫn sẽ ở mức 5%.

“Vì thế, đề xuất này của VSSA chỉ mang tính nhắc lại mà thôi”, ông Hải nói và cho biết thêm, theo Hiệp định ATIGA, đường, gạo là 2 mặt hàng nhạy cảm nên các nước có quyền giữ lại mức thuế (hay nói cách khác là bảo hộ- PV).

Khi nhắc đến 2 từ bảo hộ, ông Hải cho hay, 5% là mức thấp song ngành mía đường hiện đang bị “mang tiếng” được bảo hộ cao theo cam kết trong WTO. Cụ thể, theo WTO, mức thuế nhập khẩu đường trong hạn ngạch là đường trắng 40%, đường thô 25%, còn ngoài hạn ngạch đường trắng là 85%, đường thô 80%.

“Thế nhưng, các doanh nghiệp nhập khẩu theo từ các nước trong ASEAN để hưởng thuế 5% chứ tội gì nhập khẩu theo cam kết trong WTO”, ông Hải khẳng định.

Dù được bảo hộ nhiều hay ít song thực tế yếu kém của ngành mía đường trong nước là không thể phủ nhận.

Sức cạnh tranh của ngành mía đường còn yếu xuất phát từ việc năng suất và chất lượng mía của Việt Nam rất thấp. Việt Nam hiện đứng trong nhóm 10 nước có diện tích trồng mía lớn nhất thế giới, nhưng trong nhóm 10 nước đó, năng suất mía của Việt Nam (64,7 tấn/ha) chỉ cao hơn năng suất của Pakistan và Indonesia.

Năng suất mía nước ta đang thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác như Mỹ (75,41 tấn/ha), Brazil (74,3 tấn/ha), Thái Lan (74,23 tấn/ha). Do năng suất mía và chữ đường thấp nên năng suất đường của Việt Nam cũng thấp hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đang là câu chuyện còn nhiều bàn cãi. Theo ông Rene Ng Kee Kwong, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu mía đường Mit Phol (Trung Quốc), nhược điểm của ngành mía đường Việt Nam là không liên kết hoặc liên kết rất yếu ở các bộ phận sau: Nghiên cứu và triển khai công nghệ - nhà máy - nông dân.

Đây là lý do nhiều năm qua ngành mía đường Việt Nam phát triển chậm, thậm chí thụt lùi so với các quốc gia khác trong khu vực, chưa nói đến chuyện thực hiện các giải pháp để ngành mía đường thích ứng với biến đổi khí hậu.

Được biết, Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Nghị định sản xuất và kinh doanh mía đường, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành trong thời gian tới.

Theo Nghị định này, bên cạnh việc xác định vùng nguyên liệu, các vấn đề cơ bản như chữ lượng đường sẽ có một đơn vị độc lập do UBND tỉnh, thành chỉ định thực hiện... Bên cạnh đó, nhiều nội dung cụ thể cũng được đưa vào Nghị định như hỗ trợ áp dụng cơ giới hóa, tưới nước tiết kiệm; hỗ trợ xây dựng liên kết để phát triển cánh đồng mẫu lớn.

Theo CafeF