Ngành mía đường phát triển với nông nghiệp hữu cơ

06/03/2017

Nắm bắt nhu cầu thị trường, xu hướng tiêu dùng, chủ động canh tác, sản xuất và cung ứng sản phẩm phù hợp... là một trong những bước đi đáng chú ý của các doanh nghiệp mía đường nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thời kì hội nhập, trong đó phải kể đến sự chuyển mình đột phá của ngành mía đường với phong trào làm nông nghiệp hữu cơ.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, quy mô cũng còn hạn chế. Nhưng đến thời điểm này đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ và được cấp chứng nhận hữu cơ bởi các tổ chức quốc tế có uy tín. Theo báo cáo FiBL Survey và Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), diện tích đất canh tác hữu cơ của Việt Nam tăng đều qua các năm đạt 43.000ha tính đến năm 2014 và lọt vào top 10 quốc gia có diện tích đất canh tác hữu cơ lớn nhất châu Á.

Bên cạnh, ngành mía đường Việt Nam là một trong những ngành nông nghiệp đầu tiên hình thành chuỗi giá trị theo tổ chức sản xuất, đứng ở vị trí thứ 21 trong tổng số các quốc gia sản xuất mía đường trên thế giới có vùng nguyên liệu khoảng 300.000ha, hơn 41 nhà máy đường hoạt động và sản lượng khai thác mía. Đến nay, ngành mía đường Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển, còn nhiều khó khăn và thách thức cần được giải quyết để tiến nhanh vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, vào năm 2018, theo lộ trình cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam sẽ gỡ bỏ quota nhập khẩu các sản phẩm đường nhưng vẫn bảo hộ 5% thuế quan và Hiệp định song phương Lào - Việt với 50.000 tấn đường, thuế suất 0%. Bên cạnh đó, Nghị định mía đường trình Chính phủ về việc nhập đường thô, qui hoạch nông nghiệp theo hướng đầu tư vào các doanh nghiệp mũi nhọn, các khu sản xuất khép kín, đầu tư mạnh vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chuỗi giá trị ngành, quản trị từ nông trại đến bàn ăn. Nền nông nghiệp Việt Nam tới đây buộc phải thay đổi mạnh mẽ để hội nhập.

Trước tình hình đó, CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) - thuộc Tập đoàn TTC đã hợp tác với các tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union và Peterson Consultancy, đầu tư dự án sản xuất đường hữu cơ đầu tiên tại Việt Nam và đánh giá cấp chứng nhận đạt các tiêu chuẩn của châu Âu (EC 834/2007) và Mỹ (USDA NOP, đưa ra thị trường sản phẩm đường hữu cơ với công suất 1 tấn sản phẩm/ngày, mang thương hiệu TSU Special Organic từ cuối năm 2016.

Cánh đồng mía quy hoạch tập trung thuộc vùng nguyên liệu mía của TTCS (tỉnh Tây Ninh)

Mía dùng để sản xuất đường organic là giống mía không biến đổi gene, quá trình trồng và chăm sóc phải tuân thủ các qui định nghiêm ngặt về canh tác nông nghiệp hữu cơ

Bên cạnh việc đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ, TTCS đã triển khai hàng loạt các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp hiện đại trong trồng trọt và canh tác mía; đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho nông dân nâng cao áp dụng tỷ lệ cơ giới hóa trên đồng ruộng, thực hiện các biện pháp cáy sâu, tưới hữu hiệu, cánh đồng liên kết qui mô lớn, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nông nghiệp, đẩy mạnh R&D, sáp nhập, tái cơ cấu doanh nghiệp… nhằm kiến tạo vùng nguyên liệu công nghệ cao, ổn định và bền vững. Song song đó, TTCS đã tập trung quy hoạch 62ha trên tổng số hơn 200ha diện tích đất của nông trường mía Biên Giới (huyện Châu Thành - tỉnh Tây Ninh) và đang tiếp tục mở rộng thêm 28ha nhằm phục vụ đầu tư nguồn mía nguyên liệu hữu cơ, đáp ứng theo tiêu chuẩn organic thế giới.

Kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại phòng thí nghiệm TTCS

Sản phẩm đường hữu cơ cao cấp của TTCS

Có thể nói, TTCS đang là điển hình kiểu mẫu cho các doanh nghiệp mía đường Việt Nam trong việc tiên phong sản xuất kinh doanh đường hữu cơ theo tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ của châu Âu và Mỹ. Đồng thời, mở ra triển vọng mới cho ngành mía đường Việt Nam, góp phần nâng cao chuỗi giá ngành với xu hướng quản trị nông nghiệp từ trang trại đến bàn ăn của thế giới.

Theo Dân Trí