Mía đường nội tự "Đại phẫu"

22/12/2015

Theo các chuyên gia trong ngành mía đường, nhu cầu sản phẩm đường của các quốc gia TPP lên đến 9 triệu tấn/năm, nên cơ hội xuất khẩu cho ngành mía đường VN vào khối này là hết sức lớn.

Nông trường Thành Long áp dụng hệ thống tưới tiêu

Nông trường Thành Long áp dụng hệ thống tưới hiện đại Center Pivot - Ảnh: C.T.V

Mía đường VN lạc hậu cả về giống và kỹ thuật canh tác nên trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, "cửa" cho ngành này khi VN tham gia TPP rất hẹp bởi các "ông lớn" mía đường trong khu vực đều có mặt tại đây. Tuy nhiên, thực tế không hẳn như vậy...

Với việc đầu tư bài bản, tôi tin rằng trong khoảng 2 năm nữa năng suất, chất lượng đường của VN không thua gì Thái Lan - một cường quốc trong lĩnh vực này

GS Võ Tòng Xuân

Đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho nông dân

Nhà máy đường của Công ty cổ phần mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) nằm trên địa bàn xã Tân Hưng (Tân Châu, Tây Ninh) đã chính thức vào vụ thu hoạch mới cách nay gần 1 tháng. Từng đoàn xe chở mía đang nối đuôi nhau vào nhà máy. Ông Trần Thanh Thảo (xã Đồng Khởi, H.Châu Thành, Tây Ninh) cho biết: “Năm nay chi phí đầu tư tăng nhưng nhà máy cũng mua mía với giá tăng khoảng 100.000 đồng/tấn so với năm ngoái nên thu nhập vẫn ổn định”.

Ông Thảo trồng 20 ha mía theo hợp đồng với nhà máy. Ngoài bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, ngay từ đầu vụ nhà máy hỗ trợ vốn, kỹ thuật, phân bón, cơ giới… “Tôi và nhà máy đã làm ăn với nhau theo cách này nhiều năm rồi nên rất yên tâm sản xuất”, ông Thảo cho biết. Ông Đặng Văn Hùng (ấp Thanh Xuân, xã Mỏ Công, H.Tân Biên, Tây Ninh) ngồi gần đó nhận xét: “Lợi nhuận từ cây mía mang lại không cao như các loại cây trồng khác. Nhưng với kinh nghiệm trồng nhiều loại cây trong mấy chục năm qua tôi thấy nếu có hợp đồng bao tiêu thì mía là loại cây trồng cho thu nhập ổn định. Mỗi năm tôi thu lãi khoảng 1 tỉ đồng trên diện tích khoảng 30 ha”. Vụ mới, ông Hùng quyết định thuê thêm khoảng 10 ha đất để mở rộng diện tích. “Thực tế ở Tây Ninh hiện nay, một hộ trồng 30 - 40 ha mía là chuyện bình thường, có người trồng tới vài trăm héc ta. Sở dĩ họ có thể mạnh dạn trồng lớn vì được nhà máy hỗ trợ đầu vào, bao tiêu đầu ra. Cây mía từ khi trồng đến thu hoạch từ 10 - 12 tháng, tùy giống. Chính vì vậy, áp lực lớn nhất đối với nông dân chính là vòng quay của đồng tiền. Nhà máy hỗ trợ vốn sẽ giúp nông dân giảm được áp lực này”, ông Hùng nhìn nhận.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó tổng giám đốc TTCS, nhiều nước đang bị giảm diện tích trồng mía vì gặp khó khăn về nguồn nước. Chính vì vậy mà giá đường thế giới có xu hướng tăng trong thời gian tới. Đó là một trong những yếu tố công ty quyết định đầu tư mở rộng diện tích bao tiêu hợp đồng với nông dân. Trong niên vụ mới, công ty sẽ mở rộng diện tích đầu tư cho nông dân từ 11.800 ha lên 13.000 ha. “Chúng tôi hỗ trợ bà con nông dân từ giống, kỹ thuật, phân bón, vốn, hệ thống tưới, cơ giới hóa, lưới điện phục vụ bơm tưới… Ngoài ra, công ty còn có chính sách hỗ trợ không hoàn lại tương đương 13 triệu đồng/ha và vốn vay để nông dân đầu tư công chăm sóc, phân bón. Vốn vay sẽ được khấu trừ vào cuối vụ thu hoạch. Trong năm vừa qua chi phí đầu tư cho vùng nguyên liệu của công ty lên đến 350 tỉ đồng, riêng phần chi phí đầu tư không hoàn lại cho khoảng 3.000 ha diện tích mía trồng mới đã hơn 30 tỉ đồng”.

Nắm lấy cơ hội lớn

Lý do phải đầu tư mạnh, theo phân tích của ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc TTCS, ngành mía đường VN còn quá lạc hậu chứ không chỉ là chuyện cạnh tranh khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Bởi trong TPP, Úc là nước có ngành công nghiệp đường lớn nhất, là nước xuất khẩu đường thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, VN không phải là thị trường xuất khẩu mục tiêu của họ. Và theo kết quả đàm phán thì mức thuế đối với ngành đường chỉ giảm dần về 0% trong vòng 11 năm tiếp theo từ khi TPP có hiệu lực. “Chính vì thế, chúng ta vẫn còn đủ thời gian để đầu tư phát triển ngành mía đường theo hướng hiện đại”, ông Ngữ tự tin.

Để thuyết phục rằng VN vẫn có cơ hội phát triển ngành mía đường, lãnh đạo TTCS đưa chúng tôi đi tham quan vùng nguyên liệu của công ty. Nông trường Thành Long là một cánh đồng mía có diện tích lên đến 1.000 ha được phân thành nhiều lô nhỏ, mỗi lô 40 ha. Trên từng lô ấy lại được chia thành 4 ô, mỗi ô 10 ha. Ông Phạm Châu Tân, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của nông trường, cho biết việc quy hoạch như vậy để thuận tiện cho việc chăm sóc. Toàn bộ quy trình sản xuất của nông trường đều được cơ giới hóa. Hệ thống tưới Center Pivot như một cánh tay sắt khổng lồ có chiều dài 500 m để tưới cho 80 ha mía trong 20 giờ. “Nông trường hiện có 3 giàn tưới như thế này và đang lắp thêm 4 giàn nữa. Đây là công nghệ hiện đại được nhập khẩu từ Mỹ với chi phí đầu tư khoảng 4 tỉ đồng/giàn. Khâu trồng, thu hoạch cũng đều được cơ giới hóa. Ở khâu thu hoạch, với 2 máy, mỗi máy cần 3 lao động và 2 lít nhiên liệu có thể thu hoạch được 35 tấn mía/giờ. Trong khi thu hoạch thủ công thì tối đa một người chỉ có thể thu hoạch được 1 tấn/ngày”, ông Tân nói và khẳng định: "Việc cơ giới hóa đồng bộ cộng với việc đầu tư nghiên cứu về giống, quy trình kỹ thuật mà năng suất mía bình quân của nông trường lên đến 80 tấn/ha, cá biệt có nhiều lô lên đến 100 - 110 tấn/ha. Đặc biệt, nó giúp chúng tôi tiết kiệm được một nguồn chi phí khổng lồ".

Theo các chuyên gia trong ngành mía đường, nhu cầu sản phẩm đường của các quốc gia TPP lên đến 9 triệu tấn/năm, nên cơ hội xuất khẩu cho ngành mía đường VN vào khối này là hết sức lớn. GS Võ Tòng Xuân nhận định: Trong TPP, Mỹ là nước có nhu cầu nhập khẩu đường rất lớn và giá đường nội địa của họ cũng rất cao. Do vậy việc nghĩ đến chuyện xuất khẩu đường sau khi TPP được ký kết về lý thuyết là có cơ sở. Hiện đã có một số doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội này và họ đã đầu tư một cách bài bản để vượt qua những thách thức khách quan. "Những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào cây mía trong vài năm gần đây, đến nay họ có giống chất lượng cao, nắm được kỹ thuật hiện đại, cơ giới hóa và đã triển khai ứng dụng thành công. Với việc đầu tư bài bản như vậy, tôi tin rằng trong khoảng 2 năm nữa năng suất, chất lượng đường của VN không thua gì Thái Lan - một cường quốc trong lĩnh vực này", GS Xuân nói. Còn PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhìn nhận: “Đúng là ngành mía đường của VN sẽ gặp nhiều thách thức, chúng ta phải chấp nhận điều này. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta “đại phẫu” để phát triển theo hướng hiện đại”.

Và thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang tự đại phẫu để giành lấy cơ hội lớn trong TPP.

Nguồn báo Thanh Niên