Thoát nghèo từ mía tím

21/07/2017

Được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông, làm cầu bắc qua sông để giao thương thuận lợi, các hộ dân ở khu bờ nam sông Trường, dưới chân núi Hòn Bà, thôn 6 xã Trà Giang (Bắc Trà My) đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất sang trồng mía tím thương phẩm.

Đây là khu vực tập trung chủ yếu của nhiều người ở vùng núi phía Bắc di dân vào sinh sống. Lúc mới vào lập nghiệp, giao thông lên vùng núi Trà My cũng như về khu này cách trở nên họ chủ yếu sản xuất các loại cây nông sản và chăn nuôi theo hướng tự cung, tự cấp. Những năm gần đây, khi con đường bê tông được xây dựng, có cầu bản và cầu treo nối đôi bờ sông Trường, mở ra cơ hội giao thương phát triển kinh tế cho người dân. Từ lợi thế này, nhóm các hộ dân có quê gốc ở Thanh Hóa, đi đầu là các hộ Đinh Trọng Nhất, Đinh Trọng Tình và Trịnh Văn Bằng về quê mang giống mía tím bản địa vào trồng và nhân giống.

Mía tím rất thích hợp với đất phù sa tại đây, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật như làm đất, bón phân ủ gốc, rong lá, tưới nước… nên tăng trưởng, phát triển rất tốt. Ban đầu, các hộ này chỉ trồng vài sào đất và bán mía cây để làm nước giải khát tại địa bàn Bắc Trà My. Sau đó, qua nghiên cứu thị trường tại Tiên Phước, Tam Kỳ, Thăng Bình, Đà Nẵng… nhu cầu tiêu thụ mía tím cũng khá tiềm năng nên họ quyết định mở rộng diện tích trồng mía và giúp đỡ cho nhiều người đồng hương cùng làm. Theo ông Đinh Trọng Nhất, đất đai tại khu này rất màu mỡ, thời tiết ít có gió mạnh, bão lớn làm mía gãy đổ nên trồng mía tím rất phù hợp. “Nhờ có đường bê tông, có cầu bắc qua sông Trường nên mía được vận chuyển qua đường chính rất dễ dàng. Từ đó, chuyển về xuôi để bán thông qua xe đò rất thuận tiện. Có bao nhiêu mía cây đều bán được hết. Gia đình tôi trồng mía khoảng 1ha, mỗi năm thu về khoảng 300 triệu đồng, trừ các chi phí còn lãi được một nửa” - ông Nhất chia sẻ.

Mô hình trồng mía tím tại khu vực này  hiện đã được nhân rộng với 10 hộ tham gia, diện tích hơn 6ha. Theo ông Nguyễn Hữu Thơ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Giang, mía tím thương phẩm, bán làm nước giải khát chủ yếu trong mùa nắng nóng. Hội đã định hướng người trồng mía chú trọng trồng luân canh, tiếp nối cũng như tính toán thời gian trồng và thu hoạch mía cây rất khớp, đảm bảo cung ứng mía cây trải đều cho thị trường mỗi năm từ 7 đến 8 tháng của mùa khô, nắng nóng. Nhờ đó đã tăng đáng kể và kéo dài nguồn thu từ bán mía cây. “Mô hình trồng mía này tuy không có khoản thu nhập lớn một lần như trồng rừng từ cây keo nguyên liệu song lại thu đều và tổng thu rất hiệu quả. Các hội viên đi tiên phong trồng mía như anh Nhất, anh Tình và anh Bằng hiện đã thoát nghèo. Những hộ còn lại dù mới tham gia vài ba năm nay nhưng thu nhập ổn định và có nhiều khả năng thoát nghèo. Đây là hướng đi mới, rất có triển vọng, chính quyền và Hội Nông dân xã đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng này” - ông Thơ cho hay. 

Nguồn: Đài PTTH Quảng Nam