Phát triển kinh tế vùng cao từ cây mía trắng

30/09/2016

Với giá kinh tế đem lại, trồng các giống cây công nghiệp như mía, cam, chanh...đang trở thành hướng kinh tế mũi nhọn của những xã vùng cao tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Đưa mô hình trồng giống cây mía trắng xen lẫn chăn nuôi bò đã giúp người nông dân tại vùng cao vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Vườn mía rộng gần 2000m2 của gia đình bà Bùi Thị Duyên, xã Yên Thượng cho thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng. Hai năm trước đây, gia đình bà Duyên trồng thí điểm 1000m2 giống mía trắng.

Thấy hiệu quả kinh tế cao hơn làm ruộng, phù hợp với khí hậu địa phương nên hiện nay bà đã mạnh dạn tăng diện tích lên 2000m2. Từ vài hộ ban đầu, đến nay hầu như các hộ trong xã cũng đầu tư vào hướng kinh tế mới này.

Hiện nay, huyện Cao Phong có khoảng hơn 1300ha diện tích trồng mía trắng, mang lại thu nhập hơn 2 tỉ đồng. Với lợi thế đất canh tác tốt, giống mía trắng trồng ở địa bàn này cây to, gióng dài óng mượt, không bị nứt, ngọt, là điểm đến đầu tiên của các thương lái khi vào vụ thu hoạch.

Vì thế, vấn đề quan trọng nhất là đầu ra cho sản phẩm đã được giải quyết. Trồng mía đã thực sự trở thành hướng kinh tế mũi nhọn trong việc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương này.

Trồng mía đang trở thành hướng kinh  tế mũi nhọn trong việc xóa đói giảm nghèo tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình

Ông Bùi Đức Chung - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Thượng, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho biết: 2 năm vừa rồi xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng chuyển dịch từ trồng lúa trên diện tích không đạt năng suất của xã sang trồng cây mía và bước đầu đem lại hiệu quả, cụ thể trên một đơn vị diện tích thì bình quân hiện nay đạt 200 triệu/1ha, chính cái thu nhập này đã từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Phát triển kinh tế bằng trồng mía không còn là chuyện mới đối với người nông dân, song, việc huyện Cao Phong đưa cây mía trắng vào sản xuất phù hợp với thổ nhưỡng đang là hướng đi đầy hiệu quả, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.

Theo ANTV