Ngành mía đường trước thách thức hội nhập

10/10/2017

Theo lộ trình sau năm 2018, thuế xuất nhập khẩu mía đường từ các nước ASEAN sẽ về 0% thay vì 30% như hiện nay. Điều này đang đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành mía đường của Việt Nam hội nhập với thế giới. Đây cũng là nội dung được tập trung tháo gỡ tại Hội nghị tổng kết 22 năm phát triển ngành mía đường Việt Nam diễn ra sáng 28/9, tại thành phố Thanh Hoá.

Hiện năng suất của ngành mía và sản xuất đường của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Năng suất năm 2015 chỉ đạt trên 64 tấn mía/ha, mức này thấp hơn 7% so với trung bình cả thế giới; năng suất đường chỉ đạt 5,5 tấn đường/ha, thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Ấn Độ.

Sản xuất nhỏ lẻ tạo ra rào cản cho cơ giới hóa của ngành đường. Theo tính toán, nếu áp dụng cơ giới hóa trong canh tác có thể giúp giảm 20% chi phí sản xuất và tăng năng suất đường trên mỗi ha lên 20%.

Nhiều chuyên gia tại hội thảo dự báo, hơn 1/2 trong số 44 nhà máy đường hiện nay sẽ gặp nhiều khó khăn khi chi phí nhập khẩu đường từ các quốc gia lân cận càng giảm, còn đường trong nước phải đối mặt với cạnh tranh từ đường nhập lậu. Do vậy, doanh nghiệp cần tìm nhiều giải pháp để nâng cao giá trị cây mía như làm xăng ethanol, phát điện… Đây mới là hướng phát triển lâu dài.

Theo các chuyên gia nước ngoài, ngành mía đường vẫn còn rất nhiều tiềm năng do nhu cầu tiêu thụ đường thế giới tăng trung bình 2,7%/năm trong nửa thập kỷ qua. Rất nhiều nước có chính sách phát triển tập trung cho mía đường đã thu lợi từ thực tế này.

Chỉ còn hơn 1 năm nữa, thuế nhập khẩu đường trong ASEAN sẽ về 0%. Ngành mía đường có thể tồn tại hay không sau giai đoạn này phụ thuộc vào quyết định thay đổi ngay từ hôm nay.

 

Theo VTV