Mua mía theo chữ đường hay mua xô?

16/08/2017

Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu, cũng quy định rõ mua mía nguyên liệu theo các chỉ tiêu: chữ đường ≥ 9 CCS, tạp chất ≤ 3%. Giá mua mía nguyên liệu được tính theo chữ đường và khối lượng mía sạch (đã trừ tạp chất).

 

Thu hoạch mía ở ĐBSCL


Theo ý kiến của một số chuyên gia ngành đường, mua mía theo chữ đường là cách tốt nhất để thúc đẩy, khuyến khích nông dân trồng mía phải làm sao để mía ngày càng có chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay, ở một số nơi, nhất là tại ĐBSCL, nhiều nhà máy vẫn không tiến hành mua mía theo chữ đường, mà mua xô.

Thực ra, việc mua xô là có thỏa thuận giữa nhà máy và người cung cấp mía. Việc mua xô thường được thực hiện ở những nơi mía rất tốt. Khi nhà máy áp dụng chính sách mua xô với chữ đường bình quân là 10 CCS chẳng hạn, nông dân thường phấn khởi vì cho rằng chữ đường được như vậy là tốt rồi nên đồng ý bán xô luôn cho nhà máy, mà không biết rằng thực tế mía của mình tới 11-12 CCS hoặc hơn.

Với kiểu mua xô như vậy, nông dân không chỉ thiệt thòi trong vụ mía đó, mà còn tạo ra cho họ cái tâm lý làm mía như vậy là được rồi, không cần phải học hỏi, làm mía tốt hơn nữa. Còn nếu nhà máy tiến hành thu mua mía theo chữ đường, chắc chắn nông dân sẽ phải luôn nỗ lực trong việc đầu tư, chăm sóc để tăng chất lượng mía, đạt chữ đường cao nhất có thể nhằm bán mía được nhiều tiền hơn.

Không những thế, việc mua mía xô còn gây ra những thiệt hại khác cho nhà máy nói riêng và ngành đường nói chung. Theo tiết lộ của một chuyên gia mía đường, nếu biết đó là mía được mua theo chữ đường, khi đưa mía vào ép, các cán bộ, công nhân ở khâu ép mía, sẽ phải vận hành, thao tác một cách nghiêm túc nhằm đảm bảo lượng đường thu hồi tương ứng với chữ đường của mía đưa vào ép.

Còn nếu biết đó là mía mua xô, họ sẽ vận hành máy móc không cần nghiêm ngặt lắm mà vẫn đảm bảo tỷ lệ thu hồi tương ứng với chữ đường mua xô. Như vậy, trong bã mía vẫn còn một lượng đường chưa thu hồi hết.

Đây là một sự lãng phí, thất thoát không nhỏ ở các nhà máy đường. Mà lẽ ra, nếu mua mía theo chữ đường, nhà máy hoàn toàn có thể có thêm sản lượng, doanh thu từ lượng đường chưa ép hết này. Đồng thời qua đó, cũng giúp cho việc đánh giá chữ đường trong mía được chính xác hơn theo hướng cao hơn so với các số liệu hiện có.

Chúng tôi đem những điều ấy trao đổi với ông Nguyễn Hải. Ông cho biết Hiệp hội Mía đường cũng không đồng tình với việc mua xô mà mong muốn các nhà máy đều thu mua mía theo chữ đường. Ông Hải nhấn mạnh, mua mía theo chữ đường sẽ giúp cho ngành mía đường phát triển tốt hơn.


Trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu, cũng quy định rõ mua mía nguyên liệu theo các chỉ tiêu: chữ đường ≥ 9 CCS, tạp chất ≤ 3%. Giá mua mía nguyên liệu được tính theo chữ đường và khối lượng mía sạch (đã trừ tạp chất).

Tuy nhiên, lại có quy định thêm: Trường hợp đặc biệt (lũ lụt, mía cháy hoặc các nguyên nhân khác) phải mua mía không đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định, nhà máy và người bán mía phải lập biên bản ghi rõ nguyên nhân, biện pháp giải quyết. Đây là kẽ hở để nhiều nhà máy, nhất là các nhà máy tại ĐBSCL vẫn đang mua xô mà không mua mía theo chữ đường.

 


SƠN TRANG

Theo Nông nghiệp Việt Nam