Khi TTC làm mía đường

11/11/2016

Chọn cách đột phá nghiên cứu khoa học cơ bản, Tập đoàn TTC hướng đến sản xuất kinh doanh mía đường một cách bền vững.

Giải quyết bài toán giá thành của cây mía là mục tiêu hàng đầu quyết định sự sống còn trong cạnh tranh và hội nhập

TTC liên tục có những nỗ lực giải bài toán giá thành sản phẩm đường bằng cách sáp nhập (M&A) các công ty có vùng nguyên liệu lớn cùng với những động thái như xây dựng nhà máy hiện đại, sử dụng cơ giới hóa sản xuất, tận dụng phụ phẩm, sử dụng giống mía nước ngoài có năng suất cao. Giờ đây TTC đang giao cho trung tâm nghiên cứu ứng dụng mía đường của mình sứ mệnh tạo ra bộ giống thuần chủng của Việt Nam để gia tăng năng suất cây mía với mục tiêu: giảm giá thành, tăng năng lực cạnh tranh và đem lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Nền tảng căn bản

Theo các chuyên gia mía đường, công nghệ tại các nhà máy đường của Việt Nam khá hiện đại, thậm chí còn vượt trội so với một số nước trong khu vực và tạo ra sản phẩm đường có chất lượng rất tốt. Nhiều nhà máy đường Việt Nam đạt tiêu chuẩn EU1 (tiêu chuẩn cao nhất thế giới), có thể cung cấp đường cho cả ngành dược phẩm nên có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của hầu hết các ngành khác. Tuy nhiên, thiết bị công nghệ chỉ tác động khoảng 25% đến giá thành sản phẩm, phần còn lại phụ thuộc đầu vào là mía nguyên liệu. Đây chính là điểm yếu cốt tử của ngành mía đường Việt Nam.

Để minh họa rõ hơn, ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, năng suất mía Việt Nam bình quân khoảng 62 tấn/ha, trong khi của thế giới đạt trên dưới 120 tấn/ha. Lượng đường trong cây mía của Việt Nam cũng kém hơn các nước khi năng suất đường chỉ ở mức 5,4 tấn/ha, thua khá xa cây mía Thái Lan với hơn 8 tấn/ha, Úc gần 12 tấn/ha.

Theo cam kết mở cửa trong ASEAN, hiện nay thuế suất thuế nhập khẩu đường trong khối là 5%. Nhưng ngay cả ở mức thuế suất này, đường nhập khẩu từ Thái Lan với giá từ 8.000 – 10.000 đồng/kg vẫn cạnh tranh tốt và có ảnh hưởng lớn tới thị trường đường trong nước, bởi giá đường của Việt Nam là từ 11.000 – 13.000 đồng/kg. Chính vì điều này nên tăng năng suất trồng cây mía và trữ lượng đường trong mía đang là yêu cầu bức thiết đối với ngành mía đường hiện nay. Và điều này chỉ có thể thực hiện qua việc có được một bộ giống mía tốt và kỹ thuật canh tác hiện đại.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn TTC đã nhìn thấy rõ bất cập này và Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng mía đường Thành Thành Công ra đời nhằm giải quyết bài toán đó.

“Sứ mệnh của trung tâm sẽ là tạo ra bộ giống mía đặc thù của Việt Nam. Nó sẽ đóng vai trò tiên phong làm thay đổi diện mạo ngành mía đường Việt Nam trong việc nâng cao năng suất và hạ giá thành”, ông Thành nhấn mạnh. Thực tế, trung tâm này hình thành từ Trại thực nghiệm mía Tây Ninh, trực thuộc Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh được thành lập vào năm 1995. Vào năm 2010, Tập đoàn TTC mua lại Công ty Mía đường Bourbon Tây Ninh và đổi tên thành Công ty cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (STB) thì trại được nâng cấp và đầu tư lớn hơn.

Trước đây, Trại thực nghiệm mía Tây Ninh tiến hành rất nhiều thực nghiệm về giống, phân bón, kỹ thuật giúp nông dân khu vực Tây Ninh đạt được năng suất cao hơn. Trại cũng đã tạo ra hai giống mía R570 và R579 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận và cho phát triển, khu vực hóa tại Tây Ninh. Hiện nay, hai giống này vẫn còn trồng tại vùng nguyên liệu của hai công ty mía đường thuộc TTC là Ninh Hòa và Gia Lai.

Trung tâm này của TTC được dẫn dắt bởi Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp và có sự hợp tác của các chuyên gia mía đường trong và ngoài nước. Theo GS. Võ Tòng Xuân, từ trước đến nay, việc nghiên cứu một bộ giống mía phù hợp với đặc điểm của từng vùng sinh thái Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Do giống mía của các viện, trường nghiên cứu không đáp ứng nhu cầu nên nông dân tùy ý sử dụng các bộ giống chủ yếu có nguồn gốc từ nước ngoài, không dựa trên bất kỳ một dữ liệu khoa học nào, do đó năng suất mía rất thất thường. Chưa kể, do không được xử lý bệnh đã đưa vào trồng và chuyển từ vùng này sang vùng khác nên dịch không được kiểm soát, làm bệnh trên mía nhanh chóng lây lan sang nhiều vùng trồng mía trọng điểm cả nước.

“Tham vọng của trung tâm là không chỉ tạo ra bộ giống riêng cho Tập đoàn TTC mà còn cho mọi vùng miền tại Việt Nam. Bởi hiện Việt Nam có 10 vùng nguyên liệu mía với thời tiết và thổ nhưỡng khác nhau, trong khi mía lại rất nhạy cảm với sự thay đổi môi trường bên ngoài, do đó, cần tạo ra những loại giống phù hợp nhất cho từng vùng. Bộ giống nội địa có khả năng chống chịu phèn, chịu hạn, thích nghi được với biên độ biến đổi thời tiết lớn, phòng trừ được sâu bệnh hại và có năng suất trữ đường cao”, GS Xuân cho biết. Tuy nhiên, theo ông, để có được sự đột phá trong khâu giống cũng phải mất từ 10-15 năm. “Dù tốn khá nhiều thời gian nghiên cứu và làm ra bộ giống thuần chủng Việt Nam, nhưng vẫn phải làm vì chỉ có con đường đó thì ngành mía đường của Việt Nam mới đủ khả năng cạnh tranh”, ông Thành khẳng định.

Lấy ngắn nuôi dài

Đương nhiên, TTC không thể tạm dừng kinh doanh để chờ một bộ giống hoàn thiện với những đặc tính tốt. Đó là chuyện của tương lai. Còn hiện tại, theo GS. Võ Tòng Xuân, trung tâm sẽ chủ động nhập các giống ngoại có các đặc tính gen tốt và tiến hành kiểm dịch thực vật rồi nhân giống. Cách thứ hai là đặt hàng các trung tâm lai giống ở nước ngoài để họ tạo ra giống theo chủ đích của mình và đem về Việt Nam nhân giống. Bằng hai phương pháp mang tính ngắn hạn này, TTC sẽ có các giống mía tốt để tạo ra sản phẩm đường cạnh tranh với thế giới.

Nhưng giống cũng chỉ là một phần câu chuyện trong ngành mía đường. Theo GS Võ Tòng Xuân, chi phí canh tác mía của Việt Nam vào khoảng 50-55 USD/ha, trong khi ở Thái Lan là 30 USD, Úc 16 USD, Brazil là 13 USD. Những con số này cho thấy, ngành chế biến đường của Việt Nam đã thua ngay từ khâu nguyên liệu đầu vào. Do đó, trung tâm thực hiện một loạt các nghiên cứu khoa học từ kỹ thuật canh tác, chăm sóc cho đến thu hoạch và chuyển giao các ứng dụng này cho nông dân.

Đây là những nghiên cứu chuyên sâu có tính ứng dụng cao, giúp tiết giảm chi phí sản xuất cho nông dân. Các khoản đầu tư này khá tốn kém, nhưng chỉ có con đường áp dụng kỹ thuật hiện đại với những biện pháp canh tác tiên tiến mới tăng được năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, lúc đó sản phẩm mới có thể cạnh tranh được ngay trên sân nhà.

Theo GS Võ Tòng Xuân, kỹ thuật canh tác của nông dân chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống mà không cần biết đến các căn nguyên khoa học. Chẳng hạn, nông dân có thói quen bón nhiều phân mà không biết rằng, cách làm đó làm giảm năng suất đường của cây mía; hoặc không chú trọng cung cấp nước đều đặn cho mía ngay từ khi mới đặt hom để giúp cây mía phát triển tốt.

Một khảo sát của Ủy ban Mía đường thuộc Tập đoàn TTC cho thấy, khâu sau thu hoạch và vận chuyển mía đã làm thất thoát 10 – 15% lượng đường (trong khi tỷ lệ này ở các nước khác chỉ vào khoảng 1 – 2%) do lúc thu hoạch phần gốc mía bị bỏ lại trên đồng ruộng còn cao thay vì chặt sát gốc; việc vận chuyển mía về nhà máy chậm trễ so với quy định (trước 24 giờ sau khi chặt) khiến lượng đường thất thoát tăng lên. Khi trung tâm hướng dẫn nông dân thực hiện chương trình 4 cải tiến bao gồm: chặt sát gốc, mía sạch, mía tươi, mía chín đã mang lại kết quả khả quan, đạt mức 9,4-10% trữ đường.

“Tất nhiên, không thể áp dụng một mẫu hình cho tất cả vùng canh tác mà sẽ “đo ni đóng giày” cho từng vùng”, ông Xuân nói.

Có thể thấy, trung tâm nghiên cứu là vũ khí chiến lược của Tập đoàn TTC để giải quyết bài toán giá thành. Theo ông Đặng Văn Thành, đây là mục tiêu hàng đầu quyết định sự sống còn trong quá trình hội nhập. Trong năm 2013, TTC đã kiểm soát được mức giá thành sản xuất đường bình quân trong toàn hệ thống là 12.200 đồng/kg và đến năm 2015-2016 là dưới 11.000 đồng/kg.

“Nếu làm tốt, làm đúng, không chỉ TTC mà cả các doanh nghiệp mía đường trong nước sẽ không còn sợ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là có thể đảm bảo có được lợi nhuận với mức giá thấp nhất của thị trường, và cây mía Việt Nam sẽ có vị thế nhất định trên thị trường thế giới”, ông Thành khẳng định.

Nhiệm vụ của Trung tâm nghiên cứu mía đường của TTC

* Về dài hạn, nghiên cứu tạo ra bộ giống mía đặc thù của Việt Nam.

* Trước mắt, nhập các giống ngoại có các đặc tính gen tốt và tiến hành kiểm dịch thực vật rồi nhân giống.

* Đặt hàng các trung tâm lai giống ở nước ngoài để họ tạo ra giống theo yêu cầu và đem về Việt Nam nhân giống.

* Thực hiện các nghiên cứu khoa học từ kỹ thuật canh tác, chăm sóc cho đến thu hoạch và chuyển giao các ứng dụng này cho nông dân.

Theo Diễn đàn doanh nghiệp