Gia tăng giá trị sản phẩm đường: Đầu tư chiều sâu

12/09/2016

Nguồn cung không thiếu nhưng giá đường vẫn duy trì ở mức cao. Năng suất - chất lượng đang là nguyên nhân chính kìm hãm ngành đường phát triển. Đầu tư chiều sâu để gia tăng giá trị sản phẩm đường là giải pháp mà các bộ, ngành cũng như doanh nghiệp (DN) cần làm để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hoạch nhằm giảm chi phí, giá thành sản xuất

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên lề Diễn đàn "Kết nối doanh nghiệp - người tiêu dùng: Đón sóng thực phẩm sạch", ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch Ủy ban Mía đường Tập đoàn TTC - cho hay: Trước sức ép hội nhập và biến đổi khí hậu ngày càng tăng hiện nay, chúng tôi xác định con đường đi cho Tập đoàn TC nói riêng và ngành mía đường nói chung là phải sản xuất các sản phẩm chất lượng, đồng thời tìm phương án để giảm giá thành. Theo tính toán của chúng tôi, hiện nay giá đường bình quân của Việt Nam phải đưa xuống mức giá 10.500 đồng/kg thì mới có thể cạnh tranh được.

Để làm được việc này, chúng ta cần tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ từ nông trại đến bàn ăn. Trước tiên, trong khâu trồng trọt, chiếm 80% giá thành, phải nhanh chóng nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu; có giải pháp mạnh mẽ để tăng năng suất và giảm được chi phí sản xuất. Tăng cường ứng dụng khoa học để tăng năng suất, chất lượng, nâng cao chữ đường. Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết trong tiêu thụ giữa DN sản xuất đường với DN chế biến sữa, nước ngọt, bánh kẹo.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, nhiều nhà máy đường đã đầu tư chiều sâu nên trình độ công nghệ đã được cải thiện. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn trên 30 nhà máy sử dụng trang thiết bị cũ có nguồn gốc Trung Quốc, Ấn Độ, mức độ tự động hóa dưới 50%. Trong số 41 nhà máy đường đang hoạt động, hiện chỉ có 8/41 nhà máy đường được đầu tư thiết bị hiện đại từ châu Âu, Nhật, Pháp, Úc... với tổng công suất thiết kế 66.800 tấn mía/ngày (chiếm 47,9% công suất ngành), gồm: Nhà máy đường Lam Sơn, Nghệ An, KCP Việt Nam, Khánh Hòa, An Khê, Biên Hòa Tây Ninh, Thành Thành Công Tây Ninh.

Qua rà soát, Bộ NN&PTNT khẳng định, công nghệ chế biến có vai trò quan trọng làm nên lợi nhuận cho sản phẩm đường. Các nhà máy được đầu tư trang thiết bị hiện đại với mức độ tự động hóa trên 50% đều có giá thành sản xuất thấp hơn do chi phí nhân công thấp, hiệu suất thu hồi đường cao, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng. Chẳng hạn, các nhà máy đường như Lam Sơn, Nghệ An, KCP Việt Nam, Khánh Hòa, An Khê, Thành Thành Công Tây Ninh đều sản xuất có lãi. Trong đó, Lam Sơn lãi 2,21-2,47 triệu đồng/tấn, Nghệ An lãi 2,34 triệu đồng/tấn, KCP Việt Nam lãi 1,43-1,46 triệu đồng/tấn, Khánh Hòa lãi 1,40-1,74 triệu đồng/tấn, An Khê lãi 1,53 triệu đồng/tấn, Thành Thành Công Tây Ninh lãi 1,64 triệu đồng/tấn... Ngược lại, các nhà máy còn duy trì thiết bị, công nghệ cũ có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc đa số kinh doanh thua lỗ như Nhà máy đường Nông Cống lỗ 0,65 triệu đồng/tấn, Nhà máy đường Bình Định lỗ 1,07 triệu đồng/tấn, Nhà máy đường Tây Nam - Kiên Giang lỗ 0,49 triệu đồng/tấn, Nhà máy Tây Nam - Cà Mau lỗ 4,75 triệu đồng/tấn, Nhà máy đường Hiệp Hòa lỗ 0,49 triệu đồng/tấn...

Từ thực tế trên, trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Phát triển mía đường Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030 trình Thủ thướng phê duyệt trong thời gian tới, một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành mía đường mà Bộ NN&PTNT đề xuất là phải nâng cao hiệu quả chế biến để hạ giá thành sản xuất. Theo đó, các nhà máy đường phải tiếp tục đầu tư chiều sâu, mở rộng công suất hợp lý, nâng cao tỷ lệ tự động hóa, đầu tư áp dụng các trang thiết bị tiên tiến, hiện đại để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu suất thu hồi và chất lượng sản phẩm…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam:

Để bảo đảm nguồn nguyên liệu, DN sản xuất đường cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Theo Công Thương