Cùng người dân làm giàu từ cây mía

27/10/2016

“Thay vì quan tâm đến năng suất mía, theo tôi, bà con nên tập trung tính toán vụ ép này gia đình mình sẽ thu được lợi nhuận bao nhiêu trên diện tích đó”. Đây là chia sẻ của ông Lê Huy Thành - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường Nước Trong tại Hội thảo “Giải pháp cùng nông dân làm giàu từ cây mía” do Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (thuộc Tập đoàn TTC) tổ chức từ ngày 3-10 đến 6-10-2016 ở các huyện: Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa và thị xã Ayun Pa.

Năng suất mía liên tục giảm

Nông dân huyện Ia Pa tham quan mô hình cánh đồng mía mẫu lớn. Ảnh: N.H

Theo thông tin từ Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công (TTCS) Gia Lai, từ vụ mía 2012-2013 đến nay, diện tích vùng nguyên liệu của Công ty đầu tư tăng lũy tiến, góp phần đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy ở mức 6.000 tấn mía/ngày. Tuy nhiên, về khách quan, mặt bằng năng suất mía hiện nay đang trên đà giảm. Cụ thể, năng suất mía bình quân vụ ép 2014-2015 đạt 61 tấn/ha, giảm so với mức 62,3 tấn/ha của niên vụ 2012-2013, con số này tiếp tục giảm xuống còn 55 tấn/ha trong niên vụ 2015-2016.

Nghịch lý trên xuất phát từ sự thiếu đồng bộ trong việc áp dụng cơ giới hóa sản xuất. Nguyên nhân là do người dân chưa thực sự mạnh dạn đầu tư. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nắng hạn gay gắt kéo dài dẫn đến nhiều hệ lụy như mía khô héo, nhiễm sâu bệnh… trong thời gian qua cũng làm suy giảm năng suất, chất lượng mía.

Theo phản ánh của ông Siu Vít (thôn Hlil 2, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa), nắng hạn liên tiếp đã làm cho 7 ha mía của gia đình ông bị khô cháy, chậm phát triển, lóng ngắn, ước tính năng suất vụ này sẽ giảm đáng kể so với những năm trước.

Trước thực trạng này, nhằm đảm bảo nhu cầu nguyên liệu để ổn định sản xuất trong những năm tới, TTCS Gia Lai đã chủ động hợp tác với đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực mía đường của Tập đoàn TTC tổ chức chuỗi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn cho người trồng mía nắm bắt kỹ thuật canh tác mới. Hoạt động này là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững ngành đường của TTCS Gia Lai nói riêng và ngành đường TTC nói chung, thông qua việc đồng hành hỗ trợ người dân trồng mía về nguồn vốn đầu tư, trang-thiết bị, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Giải pháp hiệu quả cho người trồng mía

Máy cày sâu để cây mía phát triển tốt mía. Ảnh: N.H

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa - Giám đốc Nông trường Thành Long thuộc Công ty cổ phần Đường Biên Hòa (Tập đoàn TTC), trong những năm qua, nông trường đã mạnh dạn áp dụng đồng bộ các giải pháp tiên tiến nhằm nâng cao năng suất mía. Cụ thể như tập trung cơ giới hóa sản xuất, sử dụng các thiết bị cày sâu, cày ngầm; chủ động nguồn giống sạch, kiểm soát chi phí theo lô; phòng-chống cháy mía, tận dụng lá và bã bùn để cải tạo đất… “Bà con cần sớm áp dụng cày sâu, cày ngầm để tạo độ tơi xốp và giữ nước cho đất tốt hơn. Biện pháp này giúp cây mía sinh trưởng, phát triển nhanh, góp phần giảm chi phí đầu tư” - ông Hòa chia sẻ.

Ông Lê Huy Thành - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đường Nước Trong nhấn mạnh: “Tưới đủ nước cho cây mía vào mùa khô hạn là chìa khóa để tăng năng suất và chất lượng cây mía”. Cũng theo ông Thành, nhiều nơi đã sử dụng giải pháp tưới béc cố định với chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo năng suất cây mía.

Bà Nguyễn Thị Phương (thôn Bình Tây, xã Chư Răng, huyện Ia Pa) chia sẻ: “Qua giới thiệu và xem trình chiếu cách vận hành các mô hình tưới mía bằng béc cố định, tôi thấy đây là cách làm khá hiệu quả. Nếu được Công ty hỗ trợ thêm chi phí, năm tới tôi sẽ lắp thử trên một phần diện tích, nếu hiệu quả sẽ tiếp tục lắp toàn bộ ruộng mía”.

Với mong muốn giúp người trồng mía an tâm đầu tư sản xuất, ổn định đời sống, bà Vũ Thị Lan-quyền Giám đốc Nguyên liệu TTCS Gia Lai nói: Công ty đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như: đầu tư không hoàn lại 2 triệu đồng/ha đối với diện tích đăng ký chuyển đổi cây trồng; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha khi sử dụng cày ngầm; hỗ trợ 3 triệu đồng/ha khi lắp béc tưới cố định; cung cấp mía ít nhất liên tiếp 3 vụ và đầu tư 4 triệu đồng/ha không tính lãi cho vận hành tưới; hỗ trợ giống mía sạch bệnh, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho những bà con có nhu cầu. Đồng thời, Công ty trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và phương pháp trồng, chăm sóc, phòng-chống sâu bệnh trên cây mía nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, tạo điều kiện giúp bà con ổn định đời sống, yên tâm gắn bó và nâng cao thu nhập từ cây mía.

Theo Gia Lai