Củng cố mối liên kết nông dân và doanh nghiệp

09/07/2017

Trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ là định hướng phát triển sản xuất tích cực, đôi bên cùng có lợi giữa nông dân và doanh nghiệp. Song hiện tại, mối liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm giữa các bên.

Từ nhiều năm nay, tỉnh ta đã thực hiện khá hiệu quả chủ trương liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là mối liên kết 4 nhà nhằm góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp ở địa phương phát triển theo hướng bền vững. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có những vùng chuyên canh nông sản khá lớn với hơn 38.570 ha mía, 63.750 ha mì, 51.600 ha bắp, 75.300 ha lúa, 26.600 ha rau các loại... Các loại cây công nghiệp dài ngày cũng đã hình thành vùng chuyên canh tập trung với 102.640 ha cao su, 79.750 ha cà phê, 17.200 ha điều và hơn 14.500 ha hồ tiêu. Hiện nay, một số doanh nghiệp như Nhà máy Đường An Khê, Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai... đã liên kết chặt chẽ với nông dân, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hỗ trợ vật tư nông nghiệp, đưa các loại giống mới, áp dụng cơ giới hóa... để đảm bảo cây trồng đạt năng suất cao, giá cả thu mua phù hợp với thị trường và có lợi cho nông dân.

Cánh đồng lớn ở Phú Thiện. Ảnh: H.D

Thông qua liên kết, nông dân giảm chi phí sản xuất, trình độ sản xuất và kỹ năng quản lý của nông hộ ngày càng được cải thiện, đồng thời hình thành các tổ nhóm để trao đổi kinh nghiệm và những thông tin khác liên quan đến sản xuất. Quan trọng hơn, qua liên kết, nông dân có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản với giá bán cao hơn. Cũng nhờ đó mà nông dân tổ chức sản xuất theo quy trình, từ chọn giống, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp đã giúp nông dân không phải lo ngại đầu ra bấp bênh hoặc bị thương lái ép giá. Về phía doanh nghiệp, thông qua việc liên kết sẽ có vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng, góp phần đảm bảo kế hoạch xuất khẩu của đơn vị.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Phạm Văn Long-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, thực tế hiện nay, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn còn khá lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau. Hợp đồng bao tiêu nông sản thể hiện tính pháp lý thấp, chưa có sự ràng buộc trách nhiệm rõ ràng giữa người bán và người mua. Nhà nước cũng chưa có chế tài cụ thể nên khó xử lý khi xảy ra vi phạm hợp đồng giữa các bên. Thời gian qua còn xảy ra tình trạng doanh nghiệp và nông dân phá vỡ hợp đồng về giá hay thị trường tiêu thụ là vì thế.

Mặt khác, thay vì liên kết để thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân thì doanh nghiệp lại duy trì kết nối với hệ thống thương lái để giảm thiểu rủi ro, nhưng đôi khi điều này lại khiến nông dân điêu đứng. Đầu tháng 6-2016, một thương lái (là đầu mối thu mua bắp cho một công ty chăn nuôi lớn) đã ký kết hợp đồng với một số hộ gia đình ở thị xã Ayun Pa trồng bắp lấy thân cung cấp thức ăn cho bò. Tuy nhiên, khi cây bắp đã đến thời kỳ thu hoạch thì thương lái này lại không thu mua theo đúng hợp đồng. Niên vụ 2015-2016, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai (nay là Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai) mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu (trên 10.000 ha) ra 4 huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, thị xã Ayun Pa và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm ổn định đầu ra cho nhà nông. Tuy nhiên, một số nông dân đã phá vỡ hợp đồng, bán mía cho bên thứ 3.

Để thúc đẩy mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp một cách chặt chẽ hơn, rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước. Nhiều chính sách liên quan tới việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho nông dân đã được ban hành, nhưng các cơ quan hữu quan chưa thực sự nỗ lực đưa những chính sách này đến sớm với các đối tượng được thụ hưởng. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và cả nông dân còn khó khăn khi tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Vì vậy, “cần hình thành các tổ chức đại diện của nông dân (hợp tác xã) để làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, nhất là trong việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm”-ông Phạm Văn Long nhận định.

Theo Báo Gia Lai